Chuyển đổi ngoại tệ qua trung gian: Cân nhắc lại các RFE (Thư yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng cho hồ sơ I-526)

Luật sư JENNIFER A. HERMANSKY

Nhiều quốc gia đã thiết lập kiểm soát về tiền tệ trong nước, hạn chế số tiền ngoại tệ mỗi cá nhân được phép mua, bao gồm các nước có một số lượng đáng kể các nhà đầu tư EB-5 như là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, một số nước ở Trung Đông và Châu Phi. Đối với một số nước, việc mua Đô la Mỹ có thể không thực hiện được hoặc bị xem là bất hợp pháp, và đối với một số quốc gia khác, số lượng tiền Đô la Mỹ được phép mua và chuyển ra khỏi nước mỗi năm bị giới hạn đáng kể. Các nhà đầu tư với nguồn vốn đầu tư tại các nước này cần phải đổi tiền sang đồng Đô la Mỹ nhằm thực hiện đầu tư EB-5 vào Hoa Kỳ.

Vì vậy, khá là phổ biến khi nhà đầu tư EB-5 thực hiện “chuyển đổi tiền tệ” riêng tư, thỏa thuận bằng hợp đồng trong đó nhà đầu tư mua Đô la Mỹ từ một trung gian có sở hữu số tiền ngoại tệ đó bên ngoài đất nước bị hạn chế. Khác với giao dịch tiền tệ trong thị trường buôn bán công khai, những giao dịch riêng tư này thông thường không được quản lý. Tuy nhiên, nếu như không tồn tại những trao đổi tiền tệ riêng tư này, nhà đầu tư EB-5 có thể không chuyển được vốn đầu tư đến Mỹ vì gặp phải những giới hạn tiền tệ ở đất nước của họ. Trong nhiều năm qua, Sở Di trú Mỹ (USCIS) đã chấp nhận phương pháp “chuyển đổi ngoại tệ” để chuyển vốn đầu tư đến Mỹ, có lẽ là ngầm công nhận rằng một số nước có luật về đổi tiền tệ, cấm công dân của họ chuyển tiền đến Mỹ để đầu tư EB-5, cho dù nguồn tiền của họ là hợp pháp. Bên cạnh đó, nước Mỹ không có những hạn chế về tiền tệ tương tự, và vì vậy việc vi phạm quy tắc tiền tệ ở một đất nước ngoài Mỹ không bị xem là vi phạm tương đương đối với Luật Hoa Kỳ. Theo đó, USCIS trước đây đã không điều tra bên trung gian cung cấp tiền Đô la Mỹ trong những giao dịch chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên dạo gần đây, USCIS đã thay đổi chính sách khi xét duyệt hồ sơ I-526 và hiện tại đang điều tra nguồn gốc của tiền Đô la Mỹ được sử dụng bởi bên trung gian trong giao dịch hoán đổi tiền tề, như là một phần của việc thẩm định nguồn tiền hợp pháp của nhà đầu tư.

Yêu cầu về nguồn gốc tiền hợp pháp và con đường chuyển tiền

Theo Chính sách mục 8 CFR 204.6(j)(3), hồ sơ I-526 phải bao gồm bằng chứng cho thấy tiền vốn đầu tư đã kiếm được một cách hợp pháp. Nhà đầu tư có trách nhiệm phải chứng minh nguồn gốc tiền chính xác của $500.000 được đem đi đầu tư vào doanh nghiệp thương mại mới. Trong một quyết định trước đây, USCIS đã thiết lập chính sách yêu cầu vốn đầu tư EB-5 vào Hoa Kỳ phải đi từ tiền thuộc sở hữu của nhà đầu tư. Nhằm chứng minh nhà đầu tư sở hữu nguồn tiền đầu tư vào Mỹ, hồ sơ I-526 phải ghi cụ thể về “con đường đi của nguồn tiền, như là thông qua giấy chứng nhận chuyển khoản” để cho thấy số tiền đầu tư vào Mỹ này bắt nguồn từ đâu. Nhà đầu tư EB-5 phải sở hữu nguồn tiền đầu tư, và bằng chứng cho con đường đi của nguồn tiền chỉ cần cho thấy nhà đầu tư sở hữu nguồn tiền này. Theo đó mà ra đời yêu cầu chứng minh con đường chuyển tiền nhằm cho thấy con đường đi của vốn đầu tư vào doanh nghiệp thương mại mới tại Hoa Kỳ. Quan trọng là USCIS không bị kiểm soát về việc phê duyệt phương pháp chuyển đổi ngoại tệ và vì vậy được quyền tự đưa ra nhận định cho vấn đề này khi xét hồ sơ I-526.

Các hình thức chuyển đổi ngoại tệ

Có ba hình thức chuyển đổi ngoại tệ phổ biến được sử dụng bởi nhà đầu tư EB-5: (1) giao dịch riêng với một cá nhân quen biết và không nhận tiền công, (2) giao dịch riêng với một công ty được cấp phép đổi tiền, và (3) giao dịch riêng với một công ty trung gian hoặc cá nhân không được cấp phép đổi tiền, nhưng đồng thuận đổi tiền sang Đô la Mỹ để hưởng thù lao.

Trường hợp đầu tiên khá là phổ biến vì nhà đầu tư có thể làm hợp đồng với một người bạn hoặc người thân trong gia đình mà có sở hữu tiền Đô la Mỹ bên ngoài đất nước bị hạn chế. Nhà đầu tư EB-5 chuyển tiền địa phương cho người bạn ở nước sở tại, sau khi nhận được người bạn này sẽ chuyển tiền Đô la Mỹ ở ngoài nước sở tại cho nhà đầu tư, một là chuyển thẳng vào tài khoản bảo chứng khoản đầu tư EB-5 thay cho nhà đầu tư hoặc hai là chuyển đến tài khoản ngân hàng do nhà đầu tư sở hữu bên ngoài nước sở tại. Đây là những sắp xếp thỏa thuận riêng giữa nhà đầu tư và người quen, không có phí dịch vụ và được thực hiện chỉ một lần giữa hai bên. Giao dịch này được chứng thực bởi thỏa thuận hợp đồng và các giấy tờ chuyển khoản để cho thấy nguồn gốc và con đường đi của dòng tiền. Trong trường hợp thứ hai, nhà đầu tư ký kết hợp đồng với một đối tác chuyển tiền được cấp phép. Đối tác chuyển tiền này thông thường được cấp phép và quản lý ở một nước thứ ba, bên ngoài nước Mỹ và nước sở tại của nhà đầu tư. Ví dụ như một số công ty chuyển tiền được cấp phép ở Singapore, Hồng Kông và Úc  có dịch vụ chuyển đổi ngoại tệ  cho nhà đầu tư EB-5 từ Trung Quốc và Việt Nam. Nhà đầu tư EB-5 chuyển tiền địa phương đến người đại diện cho công ty chuyển tiền ở nước sở tại (gọi là đại lý tại địa phương). Sau khi đại lý tại địa phương đã nhận tiền địa phương từ nhà đầu tư, công ty chuyển tiền ở nước ngoài sẽ chuyển tiền Đô la Mỹ cho nhà đầu tư, một là chuyển thẳng vào tài khoản bảo chứng khoản đầu tư EB-5 thay cho nhà đầu tư hoặc hai là chuyển đến tài khoản ngân hàng do nhà đầu tư sở hữu bên ngoài nước sở tại. Giao dịch này được chứng thực bởi thỏa thuận hợp đồng, giấy phép của công ty chuyển tiền ở nước thứ ba và các tài liệu chuyển khoản cho thấy tiền được chuyển từ trung gian được cấp phép. Trong trường hợp thứ ba, nhà đầu tư EB-5 tham gia hình thức chuyển tiền “hawala” với một bên thứ ba không được cấp phép – có thể là một cá nhân hoặc công ty – mà có sở hữu tiền Đô la Mỹ bên ngoài đất nước bị hạn chế. Tương tự, nhà đầu tư chuyển tiền địa phương cho đối tác trong nước sở tại, sau khi nhận được đối tác sẽ chuyển tiền Đô la Mỹ cho nhà đầu tư ở bên ngoài nước bị hạn chế này. Trong tình huống này, đối tác chuyển tiền có thể không quen biết trước với nhà đầu tư, nhưng được nhà đầu tư tìm đến sau khi tìm kiếm qua mạng lưới chuyển tiền không chính thống tại nước bị hạn chế. Phương pháp này khá là phổ biến ở Trung Đông, Châu Á và Châu Phi, tại những nơi mà không có các công ty chuyển tiền được cấp phép.

Các tiêu chuẩn xét duyệt của USCIS đối với chuyển đổi ngoại tệ

Sau nhiều năm chấp nhận phương pháp chuyển đổi ngoại tệ, USCIS đã bắt đầu đặt nghi vấn về nguồn gốc tiền Đô la Mỹ được sử dụng khi chuyển đổi ngoại tệ trong các RFE cho hồ sơ I-526 (thư yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng), mặc dù không đưa ra chính sách bằng văn bản chính thức nào về chủ đề này. Nội dung của các RFE theo một mẫu chung và thường yêu cầu nhà đầu tư chứng minh: (1) nguồn gốc tiền Đô la Mỹ sử dụng bởi bên thứ ba khi đổi tiền tệ, hoặc là (2) bên thứ ba được cấp phép đổi tiền tệ. Thông thường, RFE công nhận khoản tiền đầu tư của nhà đầu tư EB-5 vào doanh nghiệp thương mại mới nhưng vẫn yêu cầu chứng minh nguồn gốc tiền của bên thứ ba thực hiện chuyển đổi ngoại tệ. Không phải là không thể trả lời được các RFE nếu có các tài liệu đúng để chứng minh, như được thảo luận cụ thể bên dưới. Các tài liệu bổ sung này cần phải được bao gồm khi nộp hồ sơ I-526 mới để RFE không bị gửi tiếp về vấn đề này. Nếu nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận riêng tư với một người quen, như trong trường hợp đầu tiên, USCIS hiện tại yêu cầu chứng minh nguồn tiền Đô la Mỹ được sử dụng khi chuyển đổi ngoại tệ  với nhà đầu tư. Điều này khá là phổ biến ở Trung Quốc đối với các nhà đầu tư EB-5 thỏa thuận với người quen/ người thân trong gia đình có sở hữu tiền Đô la Mỹ bên ngoài Trung Quốc để đổi tiền với họ. Thông thường, bên thứ ba này cần phải chứng minh (1) là họ đã kiếm được số tiền Đô la Mỹ này ở nước ngoài như thế nào, hoặc (2) là cách họ kiếm được số tiền này ở nước sở tại và đổi sang tiền Đô la Mỹ rồi chuyển số tiền này ra khỏi nước sở tại. Cụ thể như USCIS yêu cầu bên thứ ba cung cấp lý lịch công tác, sao kê tài khoản ngân hàng cho thấy các lần chuyển khoản, và chứng từ đóng thuế để chứng minh số tiền Đô la Mỹ này kiếm được một cách hợp pháp. Các luật sư di trú đã báo cáo về việc hồ sơ I-526 bị USCIS từ chối trong các trường hợp bên thứ ba từ chối cung cấp thêm các thông tin cá nhân trên, không đưa ra được các bằng chứng để phản hồi cho RFE.  Tối thiểu là USCIS sẽ yêu cầu bên thứ ba nộp bằng chứng cho công việc của họ. Nếu số tiền này do bên thứ ba kiếm được ở nước sở tại và được chuyển sang một nước khác, ví dụ như Hồng Kông, USCIS sẽ yêu cầu cung cấp thêm sao kê tài khoản ngân hàng cho thấy bên thứ ba đã đổi tiền địa phương sang tiền Đô la Mỹ và chuyển số tiền đó đến Hồng Kông. Thường là nếu người quen/ người thân trong gia đình này chịu hợp tác và cung cấp lý lịch công tác, sao kê tài khoản ngân hàng cho thấy họ tích lũy được tiền một cách hợp pháp qua năm tháng bên ngoài nước sở tại, thì USCIS sẽ chấp thuận I-526.

Trong trường hợp thứ hai, khi nhà đầu tư EB-5 ký kết hợp đồng với một công ty trung gian được cấp phép đổi tiền ở một đất nước bên ngoài Mỹ và ngoài nước sở tại (gọi là nước thứ ba), thông thường nhà đầu tư EB-5 có thể trả lời được các câu hỏi từ USCIS bằng cách chứng minh đối tác chuyển tiền cho họ có được cấp phép hoạt động. Các công ty chuyển tiền ở Hồng Kông, Singapore và Úc phải thỏa mãn các yêu cầu để được cấp phép ở các nước này, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu chống rửa tiền từ các cơ quan quản lý ở các nước trên giống với với các yêu cầu chống rửa tiền tại Hoa Kỳ. Để thỏa mãn được câu hỏi của USCIS trong các RFE, cần phải cung cấp (1) hợp đồng của nhà đầu tư với đối tác chuyển tiền, (2) giấy phép hoạt động của đối tác chuyển tiền tại nước thứ ba, (3) các giấy tờ chuyển khoản của nhà đầu tư cho đại lý tại địa phương của đối tác chuyển tiền và (4) giấy tờ chuyển khoản tiền Đô la Mỹ của đối tác chuyển tiền cho nhà đầu tư. Trong trường hợp này, tiền của nhà đầu tư không rời khỏi nước sở tại, thay vào đó đối tác chuyển tiền sử dụng tiền Đô la Mỹ của họ ở nước thứ ba để đổi tiền với nhà đầu tư và sử dụng số tiền này chuyển sang Mỹ thay mặt nhà đầu tư. Giấy phép hoạt động của đối tác chuyển tiền đã thỏa mãn được yêu cầu từ phía USCIS để chấp thuận hồ sơ I-526, tức là, giấy phép hoạt động được cấp bởi cơ quan quản lý thích hợp được chấp nhận thay vì phải chứng minh nguồn gốc tiền của đối tác chuyển tiền. Cuối cùng, trong trường hợp thứ ba, khi nhà đầu tư ký hợp đồng chuyển tiền kiểu “hawala” với một cá nhân hay công ty, nhà đầu tư sẽ gặp phải nhiều khó khăn nhất để được chấp thuận hồ sơ I-526. Mạng lưới chuyển tiền không chính thống ở Châu Á, Trung Đông và Châu Phi cung cấp các dịch vụ đổi tiền, nhưng thông thường không thể chứng minh nguồn gốc tiền sử dụng khi đổi tiền tệ với nhà đầu tư hoặc không có giấy phép hoạt động đổi tiền. Tuy nhiên cũng có khả năng công ty chuyển tiền không chính thống này có giấy phép hoạt động tại địa phương (nước sở tại) để thực hiện đổi tiền, và có thể được USCIS chấp thuận. Cũng có khả năng là công ty sở hữu tiền Đô la Mỹ có ký hợp đồng đổi tiền với nhà đầu tư chịu hợp tác cung cấp các chứng từ kinh doanh cho thấy nguồn gốc tiền Đô la Mỹ chuyển cho nhà đầu tư. Trong các tình huống trên, cung cấp giấy phép hoạt động tại địa phương (nước sở tại) hoặc chứng minh nguồn gốc tiền Đô la Mỹ của công ty có thể trả lời được yêu cầu của RFE. Như vậy, nếu không chứng minh được nguồn gốc tiền sử dụng để đổi tiền tệ với nhà đầu tư hoặc không cung cấp được bất kỳ giấy phép chuyển tiền nào, USCIS khả năng cao sẽ từ chối hồ sơ I-526 vì nhà đầu tư thất bại trong việc chứng minh hoàn chỉnh con đường đi của dòng tiền. Nhà đầu tư sẽ ở trong tình thế đáng lo ngại nhất khi họ sử dụng mạng lưới chuyển tiền không chính thống này khi đối tác chuyển tiền không thể cung cấp giấy phép hoạt động hoặc chứng minh nguồn gốc tiền.

USCIS đã từ chối các hồ sơ I-526 trong các trường hợp không đạt yêu cầu kể trên và sẽ tiếp tục làm như vậy. Về vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, việc yêu cầu chứng minh nguồn tiền Đô la Mỹ được sử dụng bởi đối tác chuyển tiền là mâu thuẫn với quy định và tiêu chuẩn chứng minh nguồn tiền khi đầu tư EB-5. Chính sách của USCIS yêu cầu nhà đầu tư không chỉ chứng minh nguồn gốc tiền $500.000 của họ, mà còn phải chứng minh $500.000 được sử dụng bởi đối tác chuyển tiền, tức là yêu cầu nhà đầu tư EB-5 phải chứng minh $1.000.000 là kiếm được hợp pháp kể cả khi dự án EB-5 nằm tại khu vực Tạo việc làm mục tiêu (TEA) chỉ yêu cầu hạn mức đầu tư là $500.000. Điều này vượt quá những gì được yêu cầu trong các quy định và tiêu chuẩn hàng đầu khi chứng minh nguồn tiền, và như vậy đưa ra chính sách này là không đúng thẩm quyền của USCIS. Tuy nhiên, USCIS tiếp tục yêu cầu phải có bằng chứng này và từ chối các trường hợp không chứng minh được nguồn gốc tiền sử dụng khi chuyển đổi ngoại tệ. Cho dù chính sách này của USCIS mâu thuẫn với các quy định, nhưng theo tình hình thực tế thì các luật sư di trú cần phải khuyên khách hàng về tiêu chuẩn xét duyệt này của USCIS. Các nhà đầu tư EB-5 muốn thực hiện chuyển đổi ngoại tệ cần biết rằng bên thứ ba chuyển tiền cần chứng minh nguồn gốc tiền Đô la Mỹ được sử dụng để đổi tiền tệ hoặc cung cấp giấy phép đổi tiền.

Các nhà đầu tư phải hiểu rõ rủi ro bị từ chối hồ sơ I-526 ngay từ đầu, trước khi tham gia vào các giao dịch chuyển đổi ngoại tệ. Chủ dự án và các doanh nghiệp thương mại EB-5 mới cần hiểu được nguồn gốc và con đường đi của dòng tiền trong trường hợp các nhà đầu tư của họ. Bởi vì việc hồ sơ I-526 bị từ chối có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên phía dự án EB-5, và chủ dự án có thể phải chịu trách nhiệm hoàn tiền cho nhà đầu tư căn cứ vào các tài liệu liên quan được cung cấp bởi chủ dự án. Các chủ dự án cần tìm hiểu về vấn đề hạn chế tiền tệ ở đất nước mà họ đang kêu gọi đầu tư, và hiểu được cách thức nhà đầu tư từ những nước này chuyển tiền đến Mỹ.

Nguồn: Theo IIUSA Blog 

phone-icon
facebook-icon
zalo-icon