Sáu tháng trước, trưởng bộ phận báo cáo và kiểm soát thị thực, trực thuộc Bộ An Ninh Nội Địa Charles Oppenheim đã đưa ra những kế hoạch đối với hạn ngạch EB-5 tồn đọng. Điều này đã cung cấp những hiểu biết quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ai có con cái mà nhiều khả năng sẽ bị quá tuổi do thời gian chờ visa quá lâu. Hôm nay, ông Oppenheim tiếp tục cập nhật thêm những thông tin quan trọng.
Về cơ bản, mỗi năm có 10.000 visa EB-5 được cấp cho các nhà đầu tư và người thân của họ, nhưng thực tế số hồ sơ xin visa luôn vượt quá con số này. Do vậy, bên cạnh hạn mức 10.000 visa, đạo luật về Nhập cư và Quốc tịch còn áp thêm một giới hạn thị thực nữa, đó là mỗi quốc gia chỉ được nhận tối đa 7% suất thẻ xanh EB-5. Công dân sinh ra tại quốc gia nào sẽ phải xin visa theo hạn mức của quốc gia đó. Giả sử một công dân Canada sinh ra ở Bắc Kinh sẽ bị rơi vào nhóm hồ sơ EB-5 bị tồn đọng, do nhu cầu EB-5 ở Trung Quốc quá nhiều, trong khi một công dân Canada khác sinh ra ở Montreal thì không.
Theo phương pháp mà ông Oppenheim đưa ra, đầu tiên cần tính toán để ra được một con số ước lượng về số hồ sơ hợp lệ từ những quốc gia tiêu thụ nhiều EB-5 nhất với các đơn I-526 đang chờ phê duyệt rồi cộng con số này với số liệu ước lượng các hồ sơ đang chờ thẻ xanh sau khi đã được chấp thuận (đang chờ Trung tâm thị thực quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao trả lời). Cuối cùng, bằng việc chia số tổng này cho hạn ngạch visa hàng năm của từng quốc gia, kết quả thu được sẽ là thời gian chờ gần đúng nhất cho mỗi hồ sơ.
Thêm vào đó, đối với các “visa còn thừa” ít hơn 10.000 đến từ các quốc gia với dân số nhỏ (không dùng hết hạn mức 7%), các visa này sẽ được áp dụng theo thứ tự ngày ưu tiên. Căn cứ vào các ghi nhận trong quá khứ, Trung Quốc luôn là quốc gia áp đảo về số hồ sơ EB-5 và dẫn đầu trong số các quốc gia có nhiều hồ sơ tồn đọng. Những visa thừa này sẽ được phân cho các nhà đầu tư sinh ra ở Đại lục trong tương lai gần. Do đó, khi độ phổ biến của EB-5 cũng như nhu cầu xin diện visa này tăng lên ở các quốc gia, các nhà đầu tư Trung Quốc đang có hồ sơ trong diện bị tồn đọng, do được hưởng số visa thừa nói trên, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như những nhà đầu tư Việt Nam có hồ sơ tồn đọng tương tự.
Oppenheim đã cung cấp một cập nhật mới trong Hội nghị về Giải thưởng Công nghiệp và Vận động EB-5 2019 của Invest in USA (IIUSA), được tổ chức tại Washington, D.C. Đánh giá về các xu hướng trong thời gian tới, có thể nhận thấy nhiều triển vọng dành cho những nhà đầu tư tương lai cũng như những nhà đầu tư hiện đang chờ visa:
Quốc gia | Thời gian chờ đợi gần đúng (tính bằng năm) để nhận Thẻ xanh nếu Đơn I-526 được nộp vào ngày 30 tháng 10 năm 2018 | Thời gian chờ đợi gần đúng (tính bằng năm) để nhận Thẻ xanh nếu Đơn I-526 được nộp vào ngày 06 tháng 05 năm 2019 |
Trung Quốc đại lục (trừ Hong Kong và Macau) | 14 | 16.5 |
Việt Nam | 7.2 | 7.6 |
Ấn Độ | 5.7 | 8.4 |
Hàn Quốc | 2.2 | 2.4 (phần lớn là thời gian xử lý I-526) |
Đài Loan | 1.7 | 2 (phần lớn là thời gian xử lý I-526) |
Brazil | 1.5 | 1.8 (phần lớn là thời gian xử lý I-526) |
Các nước còn lại | Được kỳ vọng sẽ tới lượt trong tương lai gần | Được kỳ vọng sẽ tới lượt trong tương lai gần |
Dự báo thu hút sự chú ý nhất có lẽ là về việc thời gian chờ dành cho các nhà đầu tư Ấn tăng vọt từ 5.7 lên 8.4 năm chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, như chúng tôi đã giải thích trước đây, đối với các diện visa EB-2 và EB-3, thời gian chờ của Ấn Độ có thể kéo dài tới hơn một đời người, khiến cho EB-5 (và cũng có thể là EB-1) sẽ là con đường khả thi duy nhất để nhập cư vào Hoa Kỳ, dù cả hai loại visa này đều có một lượng hồ sơ đang tồn đọng.
Khá thú vị là ở Việt Nam, số hồ sơ tồn đọng đã không còn tăng mạnh kể từ tháng Mười năm 2018. Các quốc gia còn lại nằm cuối hàng chờ (như Đài Loan, Hàn Quốc, Brazil) có thể chỉ bị tồn đọng một lượng nhỏ, nhu cầu cũng không tăng thêm do thời gian xử lý đơn I-526 kéo dài. Những nhà đầu tư này có lẽ không nhận thấy bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nhập cư của họ nên nhu cầu vẫn ổn định.
Có lẽ quan trọng không kém các dự báo về tồn đọng hồ sơ là dự đoán của ông Oppenheim về Bản tin Visa hàng tháng trong phần còn lại của năm tài chính này cũng như đầu năm tới. Ông đưa ra những hiểu biết quan trọng về những gì nên kì vọng trong phần còn lại của năm 2019 và vào năm 2020:
Trung Quốc: Bản tin visa tháng 7 sẽ thông báo về hồ sơ cuối cùng sẽ được duyệt cấp thẻ xanh trong tháng này là hồ sơ nộp vào ngày 01/10/2014, đối với Trung Quốc đại lục. Charlie dự đoán rằng trong phần còn lại của năm sẽ không có thêm hồ sơ nào của Trung Quốc được xét tới nữa trừ khi nhu cầu của các quốc gia còn lại giảm đáng kể. Vào tháng 10 (tức là bắt đầu năm tài chính 2020), trường hợp nhanh nhất đối với Trung Quốc là USCIS sẽ xét đến hồ sơ nộp ngày 15/10/2014, và trường hợp chậm nhất là chỉ mới xét tới hồ sơ nộp ngày 08/10/2014.
Việt Nam: Đối với Việt Nam, bản tin Visa tháng 7 sẽ thông báo về hồ sơ cuối cùng sẽ được duyệt cấp thẻ xanh trong tháng là hồ sơ nộp vào ngày 01/10/2016. Sau đó Việt Nam sẽ đạt ngưỡng hạn ngạch hàng năm. Vào tháng 10, trường hợp nhanh nhất cho Việt Nam là USCIS sẽ xét đến hồ sơ nộp ngày 15/12/2016 và trong trường hợp chậm nhất sẽ chỉ xét đến hồ sơ nộp ngày 22/11/2016.
Ấn Độ: Ấn Độ có thể sẽ đạt tới hạn ngạch visa hàng năm vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới. Có khả năng rằng trong bản tin Visa tháng 7 sẽ công bố về hồ sơ Ấn Độ cuối cùng được Sở Di Trú Mỹ xét cấp thẻ xanh trong tháng sẽ là một hồ sơ được nộp trong năm 2017, nhưng cũng có thể thay vào đó, ông Oppenheim sẽ thiết lập mốc thời gian ngang bằng với hồ sơ cuối cùng của Trung Quốc. Vào tháng 10, trường hợp nhanh nhất cho Ấn Độ là Sở Di Trú sẽ xét tới hồ sơ nộp vào mùa thu của năm 2017, và chậm nhất là chỉ xét tới một hồ sơ nộp trong mùa hè 2017.
Hàn Quốc, Đài Loan và Brazil sẽ không có hồ sơ tồn đọng trong năm tài chính 2019. Công dân của các quốc gia này sẽ có có hội được xét đến hồ sơ vào tháng 10.