Trong cuộc họp khẩn ngày 13 tháng10 năm 2020, Nội Các đã quyết định tạm ngưng Chương trình Đầu Tư Quốc Tịch Síp sau nhiều bê bối và dưới sự chỉ trích, phản đối của Liên minh châu Âu. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11.
Quyết định này được đưa ra sau báo cáo điều tra của Global Witness – tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng quốc tế cùng với phóng sự được công chiếu của hãng tin Al Jazeera cáo buộc Thị thực vàng là hành động bất hợp pháp mua quyền công dân ở Síp khi dính líu đến rửa tiền, tham nhũng và các hoạt động tội phạm khác. Hãng tin này cũng đã công bố tài liệu về hơn 1.000 ứng viên quốc tế và các thành viên gia đình của họ đã mua quốc tịch ở Síp, từ năm 2017 đến năm 2019, thông qua chương trình Quốc tịch theo diện đầu tư, trong số đó có những ứng viên bị phơi bày về mặt chính trị.
Ngoài ra Al Jazeera cũng đăng tải đoạn video quay lén cảnh một quan chức nhà nước, một nhà lập pháp và một luật sư dường như đang cố gắng hỗ trợ một “nhà đầu tư Trung Quốc” có tiền án (nhân vật giả định do phóng viên cài vào) để có được tấm “hộ chiếu vàng”. Chủ tịch Quốc hội Síp Demetris Syllouris, người xuất hiện trong đoạn video kể trên, đã gợi ý về việc dùng tầm ảnh hưởng của ông để giúp đỡ nhân vật giả định này. Sau khi sự việc được công bố, ông Syllouris (người có quyền lực lớn thứ 2 tại Síp chỉ sau Tổng thống Nicos Anastasiades) đã công khai xin lỗi và tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 19/10 tới.
Tuy nhiên, các quan chức Liên minh châu Âu cùng với các nhà hoạt động xã hội dân sự không tin rằng Síp sẽ không thử khởi động lại chương trình này trong một phiên bản sửa đổi. Tháng trước, Liên minh châu Âu thông báo rằng họ có thể khởi động hành động pháp lý chống lại chính phủ Síp vì đã cho phép chương trình Thị thực vàng cung cấp dịch vụ của mình, bất chấp những cáo buộc hình sự đang phải đối mặt. Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders đã bày tỏ mối quan ngại của mình trong khi nói thêm rằng: “Yếu tố đầu tiên là phải chắc chắn rằng có một số cuộc điều tra ở cấp quốc gia từ hệ thống tư pháp”.
Chương trình CIP – Đầu Tư Nhập Quốc Tịch của Síp được khởi động từ năm 2012 cho đến nay đã mang lại cho đất nước này hơn bảy tỷ euro, là một chương trình xuất sắc có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế. Nó nâng cao thị trường bất động sản và trong vài năm qua đã thu hút những công dân mới, tạo ra lợi ích ròng đáng kể cho xã hội Síp.
Bất chấp những cáo buộc mà đất nước đang phải đối mặt, Bộ trưởng Nội vụ Síp Nicos Nouris nhấn mạnh rằng: “Chính phủ Síp đã cải thiện an ninh và quản lý quyền công dân của mình bằng chương trình đầu tư”. Nhưng tuyên bố này đã không thuyết phục được Liên minh châu Âu.
Vào tháng 4, Liên minh Châu Âu đã chỉ trích Síp, Bulgaria và Malta về việc thực hiện chương trình đầu tư theo quốc tịch của họ. Tina Mlinaric, một nhà vận động tại Global Witness, cho biết: “Đầu tư nhập Quốc tịch khiến toàn bộ EU phải đối mặt với rủi ro rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng đáng kể, cũng như đe dọa an ninh của khối”.
Vào ngày 27 tháng 2 năm ngoái, các Thành viên của Nghị viện châu Âu từ nhóm Đảng Nhân dân châu Âu đã thúc giục bãi bỏ chương trình Thị thực vàng ở các nước EU. Rất khó để nói các chương trình hộ chiếu vàng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến EU trong bao lâu, tuy nhiên một điều chắc chắn trong tương lại các nước đang có chương trình Thị thực vàng đều phải đối mặt với nguy cơ dừng chương trình này hoặc phải thay đổi chính sách phù hợp với khối châu Âu.