Sau phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ, cho phép chính quyền tổng thống Trump tiếp tục chính sách cứng rắn nhất từ trước đến nay về tị nạn, ngày 13/09 vừa qua, các quan chức từ Bộ tư pháp và an ninh nội địa cho biết họ sẽ sớm bắt tay vào việc thi hành chính sách, bao gồm việc đưa trả về những đứa trẻ đã đến biên giới phía Nam mà không có cha mẹ.
Chính sách mới quy định rằng, nếu những người tị nạn trên đường tới Mỹ đã đi qua một quốc gia khác nhưng không xin tị nạn tại đây mà vẫn tiếp tục tới Mỹ, thì họ sẽ bị coi là tị nạn bất hợp pháp tại Mỹ. Lực lượng hành pháp khẳng định rằng họ sẽ buộc những người nhập cư vào Mỹ sau ngày 16/07 phải quay về quốc gia khai sinh của mình nếu những người này không chứng minh được họ đã nỗ lực xin tị nạn ở nơi khác.
Những người ủng hộ nhập cư và nhân quyền đã công khai chỉ trích chính sách của tổng thống Trump, cho rằng nó vi phạm nghiêm trọng các quy ước quốc tế về việc một công dân có quyền xin tị nạn tại bất cứ đâu, mà không liên quan tới việc họ đến được đó như thế nào. Tranh luận vẫn nổ ra tại các tòa án cấp thấp hơn, điều này có nghĩa rằng chính sách của chính quyền Trump vẫn có khả năng sẽ phải thay đổi trong thời gian tới.
Dẫn lời các quan chức của Bộ an ninh nội địa Mỹ, chính phủ Mỹ không bài trừ những người tị nạn một cách cực đoan. Nếu các công dân muốn tị nạn tại Mỹ chứng minh được rằng họ đã nỗ lực xin tị nạn ở các quốc gia khác nhưng bị từ chối, Hoa Kỳ sẵn sàng chào đón họ. Các quan chức cũng cho biết, trường hợp người tị nạn là trẻ em không có cha mẹ đi cùng, những đứa trẻ này sẽ nhận được một số biện pháp bảo vệ bổ sung, tuy nhiên vẫn sẽ không nằm ngoài nguyên tắc xét duyệt tị nạn kể trên.
Mặc dù được đánh giá là tương đối khắc nghiệt đối với người nhập cư, chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn có một số trường hợp ngoại lệ được áp dụng. Ví dụ: nếu người xin tị nạn có thể chứng minh với chính quyền Hoa Kỳ rằng anh này hoặc cô này có khả năng sẽ bị tra tấn nếu trở về quê nhà, họ sẽ được phép tìm kiếm sự bảo vệ theo Công ước Chống tra tấn ở Hoa Kỳ. Người nhập cư cũng có quyền nộp đơn kháng cáo đối với quyết định trục xuất họ lên một thẩm phán di trú.
Những người ủng hộ chính sách của tổng thống Trump thì bày tỏ quan điểm rằng, thực trạng nhập cư hiện nay ở Hoa Kỳ đang rất phức tạp. Lượng tồn đọng các hồ sơ xin tị nạn đã lên tới hơn 400.000 và vẫn tiếp tục tăng, điều này dẫn đến việc phần lớn người tị nạn phải chờ rất lâu mới đến ngày ra tòa cho trường hợp của mình, vô hình trung họ đã được cư trú ở Hoa Kỳ trong nhiều năm, gây ra một số bất ổn về an ninh xã hội, thêm vào đó nhiều người tị nạn còn cố tình vắng mặt trong phiên điều trần của mình để kéo dài thời gian. Có một thực tế là phần lớn các yêu cầu xin tị nạn vào Mỹ ban đầu được chấp nhận nhưng sau cùng lại bị thẩm phán bác bỏ, vì vậy nhiều người cho rằng chính sách cứng rắn của ông Donald Trump là cần thiết, nó sẽ giúp tiết kiệm thời gian bằng việc loại bớt đi những trường hợp xin tị nạn mà chắc chắn sẽ không có khả năng được tòa án thông qua, từ đó góp phần hạn chế những diễn biến phức tạp của nạn nhập cư trái phép đang diễn ra tại vùng biên giới phía Nam Hoa Kỳ.