Vào ngày thứ 6, 31/05/2019, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (gọi tắt là DOS) đã đưa ra một cập nhật mới đối với quy trì nộp hồ sơ online của các diện visa định cư và phi định cư, bao gồm các mẫu đơn DS-260 và DS-160. Theo đó, một câu hỏi điều tra mới sẽ được thêm vào, liên quan tới lịch sử sử dụng các trang mạng xã hội của đương đơn, tức người xin visa. Câu hỏi mới này yêu cầu các đương đơn phải tiết lộ đầy đủ tất cả các tài khoản mạng xã hội mình đã sử dụng trong vòng năm năm gần nhất bao gồm tên đăng nhập, danh hiệu, không bao gồm mật khẩu.
Khi nộp hồ sơ online, các đương đơn sẽ nhìn thấy một danh sách gồm các nền tảng phổ biến trong và ngoài nước Mỹ như Facebook, LinkedIn, Instagram, Twitter, YouTube, Tumblr, Reddit, v.v… để chọn ra các mạng xã hội mình đang dùng. Việc điều tra này sẽ tác động tới hơn 15 triệu người nộp hồ sơ thuộc cả diện định cư lẫn phi định cư. Trường hợp các đương đơn đi theo diện visa ngoại giao sẽ được miễn trả lời câu hỏi nói trên.
Đề xuất thay đổi này xuất phát từ yêu cầu trong biên bản ghi nhớ của Tổng thống Mỹ ban hành ngày 06/03/2017, kêu gọi Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa và Bộ trưởng Tư pháp tiến hành các giao thức và thủ tục cần thiết để tăng cường sàng lọc và kiểm tra tất cả các đơn xin thị thực Mỹ cũng như đơn xin các lợi ích nhập cư khác, từ đó nâng cao mức độ an ninh cho người dân Mỹ. Như đã thảo luận trước đó, DOS đã công bố một thông báo 60 ngày trong Sổ Đăng Ký Liên Bang, phát hành ngày 30/03/2018 và một thông báo 30 ngày trong Sổ Đăng Ký Liên Bang, phát hành ngày 28/08/2018, với mục đích trưng cầu dân ý về đề xuất thu thập thông tin mạng xã hội. Sau đó vào ngày 11/04/2019, Bộ Quản lý và Ngân sách đã phê duyệt đề xuất của Bộ Ngoại giao về yêu cầu mở rộng danh mục các thông tin xác định danh tính trên các phương tiện truyền thông xã hội, bất chấp nhiều ý kiến công khai bày tỏ quan ngại về sự xâm phạm quyền riêng tư và không tán thành đề xuất này.
DOS tuyên bố rằng thông tin thu thập được sẽ được dùng để dùng để xác định danh tính người nộp đơn xin visa cũng như xác định xem người đó có đủ điều kiện để được cấp visa hay không, theo luật hiện hành của Hoa Kỳ. Tuy nhiên điều này cũng làm dấy lên nhiều lo ngại rằng thông tin trên rất dễ bị hiểu sai và gây ra nhiều rủi ro đối với quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Theo thông báo hành động của Bộ Quản lý và Ngân sách, DOS sẽ chỉ xem xét những nội dung được công khai và sẽ không yêu cầu người dùng phải cung cấp mật khẩu của các tài khoản truyền thông xã hội. Việc làm này nhằm tập trung phát hiện những tư tưởng manh nha có thể dẫn tới các hoạt động khủng bố, từ đó ngăn không cho các thành phần nguy hiểm đạt được quyền lợi nhập cư. Trung tâm Tư pháp Brennan tại trường luật NYU đã xuất bản một báo cáo nghiên cứu, nêu ra một số vấn đề từ các chương trình thí điểm tương tự, trong đó các nhân viên của DHS (Bộ an ninh nội địa) đã hiểu sai nội dung của một số bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, dẫn tới nhiều trường hợp từ chối visa không chính xác.
Trong thông cáo cuối cùng của DOS, bổ sung cho Đạo luật về tinh giảm thủ tục giấy tờ, Bộ tuyên bố rằng các thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội có thể sẽ được xem xét bởi Lãnh sự quán và bộ phận phòng chống gian lận, trực thuộc Bộ để đánh giá những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ gian lận visa. Những thông tin được đăng tải trên mạng của công dân nước ngoài có thể được dùng để xác minh những gì họ khai báo về các mối quan hệ cũng như nghề nghiệp của mình có đúng sự thật hay không, từ đó tìm ra những dấu hiệu của sự che giấu mục đích thật sự khi nhập cư vào Mỹ. Nhìn chung, thông tin đăng tải trên mạng xã hội sẽ được đánh giá dựa theo từng trường hợp và dấu hiệu cụ thể, từ đó đi đến quyết định một hồ sơ visa sẽ được chấp thuận hay bị từ chối. Những thông tin trên mạng xã hội sẽ được nhìn nhận khách quan, không có sự phân biệt nào về tôn giáo, sắc tộc, quan điểm chính trị hay giới tính…
Các đương đơn cần lưu ý rằng, nếu mình là một người không sử dụng mạng xã hội thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật mới này. Tuy nhiên, đương đơn cần rất trung thực khi cung cấp thông tin, vì trong phạm vi năm năm, bất kỳ tài khoản mạng xã hội nào dù đã bị xóa vẫn có thể được tìm ra.
DOS đang đề xuất trong tương lai sẽ đưa thêm một số câu hỏi khác vào quy trình xin visa online (cả định cư và phi định cư), cụ thể như sau:
- Một câu hỏi tùy chọn về việc đương đơn có muốn chia sẻ thông tin về bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào khác mà mình đã từng sử dụng trong năm năm gần nhất, trong đó chia sẻ các nội dung không có trong danh sách được hỏi.
- Một câu hỏi bắt buộc về việc đương đơn đã từng bị bị trục xuất khỏi một quốc gia nào trước đây chưa.
- Một câu hỏi bắt buộc về việc đương đơn và các thành viên trong gia đình có từng hỗ trợ các hoạt động khủng bố, trong vòng năm năm gần nhất hay không.
- Một câu hỏi bắt buộc về việc đương đơn có từng sử dụng thêm bất cứ số điện thoại nào khác ngoài những số đã cung cấp, trong vòng năm năm gần nhất hay không.
- Một câu hỏi bắt buộc về việc đương đơn có từng sử dụng thêm bất cứ địa chỉ email nào khác ngoài những địa chỉ email đã cung cấp, trong vòng năm năm gần nhất hay không.
Westlife Immigration sẽ tiếp tục cập nhật nếu có bất kỳ thay đổi nào khác liên quan tới quy trình và thủ tục nhập cư Hoa Kỳ.