Ngày nay các nhà đầu tư định cư muốn cư trú lâu dài hoặc sở hữu quốc tịch tại một quốc gia châu Âu đã có nhiều sự lựa chọn hơn trước đây. Thêm vào đó, điều kiện tham gia các chương trình định cư châu Âu cũng tương đối đơn giản, hầu như chỉ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu thời gian và tiền bạc để thỏa mãn yêu cầu của chương trình.
Ví dụ như nếu ngân sách của nhà đầu tư cho việc định cư là trong khoảng 300.000 EUR, họ có thể lựa chọn đầu tư 250.000 EUR vào Bồ Đào Nha thông qua hình thức quyên góp cho chính phủ, số tiền sẽ được sử dụng cho các dự án tôn tạo, bảo tồn và phát triển các giá trị nghệ thuật. Đổi lại nhà đầu tư sẽ có được quyền thường trú và sau cùng là quốc tịch.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể đủ điều kiện cư trú tại Bồ Đào Nha chỉ bằng cách chứng minh rằng mình đáp ứng được yêu cầu về thu nhập tối thiểu của quốc gia này, tức là khoảng 1.200 euro mỗi tháng cho mỗi người. Tuy nhiên đây là cách chỉ thích hợp với những ai thực sự muốn sinh sống tại Bồ Đào Nha, do chính phủ yêu cầu phải cư trú tối thiểu 183 ngày/năm. Những nhà đầu tư lựa chọn hình thức quyên góp cho chính phủ chỉ phải cư trú 7 ngày/năm.
Những chương trình như trên có điều kiện cư trú đơn giản và đôi khi là không yêu cầu cư trú, vì vậy thường được các nhà đầu tư nghĩ tới như là một lựa chọn dự phòng, trong trường hợp họ thực sự cần cư trú tại một quốc gia khác. Được biết đến nhiều nhất trong số các lựa chọn cư trú dự phòng là chương trình Golden Visa, chấp thuận nhà đầu tư thông qua hình thức phổ biến là mua bất động sản.
Dưới đây là những lựa chọn đầu tư định cư được các chuyên gia đánh giá là tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
Đảo Síp
Để được chấp thuận thường trú và có quốc tịch ở đảo Síp, nhà đầu tư phải sở hữu một bất động sản trị giá tối thiểu 300.000 EUR. Đây bắt buộc phải là một bất động sản mới, thuộc dự án phát triển được chính phủ Síp cấp phép.
Hầu hết các quốc gia đều yêu cầu đương đơn chính phải đứng tên chủ sở hữu của bất động sản định cư. Tuy nhiên ở Síp lại cho phép một pháp nhân cùng đứng tên tài sản với đương đơn chính (và đối tác phối ngẫu, nếu có), đây được coi như những người đồng sở hữu, chia sẻ lợi ích với đương đơn chính, điều này tương đối có lợi cho những nhà đầu tư không muốn công khai tài sản.
Thời gian cần có mặt tại Síp chỉ là một lần mỗi 2 năm và nhà đầu tư có thể xin lên quốc tịch sau 7 năm cư trú. Trong vòng 12 tháng ngay trước ngày nộp hồ sơ quốc tịch, nhà đầu tư phải cư trú toàn thời gian tại Síp. Sau khi nhận quốc tịch, nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục lưu trú thường xuyên tại Síp, không nhất thiết là 365 ngày/năm nhưng cần thể hiện là mình vẫn có mặt ở Síp như là một công dân chân chính.
Hy Lạp
Với 250.000 EUR, Hy Lạp là quốc gia có yêu cầu đầu tư định cư tối thiểu thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của châu Âu. Giá bất động sản ở nhiều vùng tại Hy Lạp đang xuống rất thấp do nước này chỉ vừa mới hồi phục khỏi đợt khủng hoảng nợ công kéo dài gần một thập kỷ, điều này có nghĩa là mức đầu tư 250,000 EUR sẽ còn được duy trì trong một thời gian khá lâu nữa.
Trên thực tế, nếu nhà đầu tư khó khăn khi muốn tìm một bất động sản giá trị lớn ở Hy Lạp, không vấn đề gì cả vì quốc gia này (cũng như nhiều quốc gia châu Âu có chương trình định cư tương tự) cho phép nhà đầu tư có thể mua nhiều bất động sản có giá vừa phải, miễn sao tổng số tiền đầu tư đạt ngưỡng 250.000 EUR.
Hy Lạp không có yêu cầu cư trú, nghĩa là nhà đầu tư chỉ cần sở hữu bất động sản, nhận quyền thường trú, sau đó có thể tự do đi lại trong khu vực Schengen mà không cần phải đặt chân đến Hy Lạp (tất nhiên nhà đầu tư sẽ phải tới Hy Lạp một lần để hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc nhập cư).
Khác với quyền thường trú nhân, nếu nhà đầu tư và gia đình muốn có hộ chiếu Hy Lạp, họ phải có kế hoạch sinh sống dài hạn tại đây. Hai điều mà nhà đầu tư cần biết nếu muốn sở hữu quốc tịch Hy Lạp, thứ nhất là về điều kiện ngôn ngữ. Không cần phải nói trôi chảy tiếng Hy Lạp, chỉ cần đảm bảo giao tiếp bình thường, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc gia đình nhà đầu tư phải làm quen với một bảng chữ cái mới. Điều kiện thứ hai liên quan đến nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với đàn ông dưới 45 tuổi tại Hy Lạp, điều này sẽ áp dụng với con cái của nhà đầu tư sau này.
Latvia
Latvia đã từng được mời chào là quốc gia lý tưởng và dễ dàng nhất trong EU về điều kiện cư trú. Ban đầu, quốc gia này chỉ yêu cầu đầu tư tối thiểu là 160.000 EUR cho bất động sản. Hiện nay, mức đầu tư này đã được nâng lên 250.000 EUR cộng thêm 5% phí nộp hồ sơ, căn cứ trên giá trị của bất động sản mà nhà đầu tư sở hữu.
Nhà đầu tư chỉ cần tới Latvia một lần/năm để đủ điều kiện về cư trú, nhưng nếu mục đích cuối cùng là lấy quốc tịch, nhà đầu tư sẽ phải dành nhiều thời gian hơn, trong đó bao gồm việc phải sinh sống toàn thời gian tại Latvia trong suốt 12 tháng trước ngày nộp hồ sơ quốc tịch.
Sau năm năm là thường trú nhân, nhà đầu tư mới có thể nộp đơn xin quốc tịch, nhưng giấy phép cư trú ban đầu trong năm năm đầu tiên sẽ chỉ là tạm trú, chưa phải thường trú nhân. Điều đó có nghĩa là khung thời gian năm năm được quảng cáo trước khi đủ điều kiện nhập tịch thực tế là tối thiểu 10 năm.
Giống như Hy Lạp, Latvia cũng đòi hỏi nhà đầu tư định cư phải thông thạo ngôn ngữ bản địa để được cấp quốc tịch. Ngoài ra Latvia không chấp nhận song tịch, đồng nghĩa với việc định cư Latvia chỉ có ý nghĩa với những ai thực sự muốn sinh sống tại quốc gia này và đã sẵn sàng từ bỏ quốc tịch tại quốc gia khai sinh của mình.
Malta
Chương trình định cư ở Malta đưa ra 2 lựa chọn cho nhà đầu tư. Đầu tiên là phương án nhập cư nhanh, cho phép nhà đầu tư có quốc tịch Malta chỉ sau 12 tháng cư trú với điều kiện là nhà đầu tư phải sở hữu một bất động sản trị giá tối thiểu 350.000 EUR, đầu tư 150.000 EUR vào trái phiếu chính phủ, và quyên góp 650.000 EUR vào Quỹ phát triển quốc gia và xã hội. Nếu có vợ/chồng đi cùng, nhà đầu tư sẽ được yêu cầu quyên góp thêm 25.000 EUR nữa. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần phải cư trú tối thiểu 6 tháng trong 12 tháng nói trên.
Với phương án thứ hai, nhà đầu tư sẽ phải sở hữu bất động sản trị giá 320.000 EUR (270.000 EUR nếu bất động sản nằm trên đảo Gozo của Malta), cộng thêm 250.000 EUR cho trái phiếu chính phủ và quyên góp 30.000 EUR. Trong khi khoản đầu tư vào bất động sản và trái phiếu có thể thu hồi lại thì khoản quyên góp sẽ coi như chi phí mà nhà đầu tư phải chịu.
Có lẽ lợi thế lớn nhất của Malta là về thuế, mọi nguồn thu nhập của nhà đầu tư từ bên ngoài Malta chỉ phải chịu mức thuế 15%. Ngoài ra, Malta là một trong số các quốc gia sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức.
Montenegro
Về bản chất quốc gia này không có chương trình Golden Visa tuy nhiên Montenegro vẫn cấp quyền cư trú cho những ai mua bất động sản tại đây. Dù giá trị tối thiểu của bất động sản định cư không được đề cập cụ thể, nhưng trong thực tế, mức phổ biến mà nhà đầu tư cần đáp ứng chỉ là 50.000 EUR, điều này khiến cho Montenegro trở thành quốc gia có chi phí định cư thấp nhất hiện nay.
Một điểm trừ của chương trình Montenegro đó là nhà đầu tư phải gia hạn thường trú hàng năm, đây là một thủ tục hành chính khá rắc rối. Thêm vào đó, Montenegro không thuộc khối EU (đã nộp đơn xin gia nhập từ năm 2008, dự kiến đến năm 2025 mới được chấp thuận) lẫn khu vực Schengen, do vậy cư trú ở đây không mở ra con đường vào châu Âu như những quốc qua khác.
Montenegro cũng giống Latvia, đều không phải là nước chấp nhận song tịch nên việc nâng lên quốc tịch của quốc gia này sẽ không thực sự là một lựa chọn tốt. Tổng kết lại, chương trình định cư của Montenegro chỉ có ưu thế về chi phí, ngoài ra những lợi ích mà nó mang lại cho nhà đầu tư không nhiều.
Bồ Đào Nha
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ có ba lựa chọn để tham gia chương trình Golden Visa của Bồ Đào Nha, thứ nhất đó là quyên góp cho quỹ phát triển văn hóa và nghệ thuật của quốc gia, thứ hai là đầu tư, thành lập công ty để tạo việc làm cho công dân Bồ Đào Nha, và cuối cùng là mua bất động sản. Lựa chọn thứ ba được xem như ít phức tạp nhất.
Đầu tư 350.000 EUR vào một bất động sản có tuổi đời trên 30 năm hoặc 500.000 EUR vào một bất động sản mới là nhà đầu tư đã có thể được cấp quyền cư trú tại Bồ Đào Nha. Những mức đầu tư trên có thể được giảm bớt 20% nếu nhà đầu tư mua bất động sản tại vùng thưa dân (trừ các địa điểm dọc bờ biển).
Để duy trì Golden Visa, nhà đầu tư phải dành 7 ngày cư trú tại Bồ Đào Nha trong năm đầu tiên, và 14 ngày mỗi 2 năm tiếp theo, đây là điều kiện cư trú khá dễ dàng cho người nhập cư, do đó ngày càng nhiều công dân nước ngoài lựa chọn Bồ Đào Nha như một giải pháp định cư dự phòng. Gần đây quốc gia này còn hạ điều kiện cư trú của quốc tịch từ 6 xuống còn 5 năm, khiến cho chương trình định cư Bồ Đào Nha càng trở nên hấp dẫn.
Để chính thức trở thành công dân Bồ Đào Nha, nhà đầu tư sẽ phải vượt qua bài kiểm tra về lịch sử quốc gia bằng tiếng bản ngữ.
Bồ Đào Nha cũng mang tới cho nhà đầu tư một lợi ích mà không quốc gia Golden Visa nào khác có. Đó là chương trình thuế cho người không cư trú thường xuyên, có thể giảm tới 0% cho thu nhập cá nhân của một số nhà đầu tư đủ điều kiện.
Tây Ban Nha
Chương trình định cư của Tây Ban Nha được coi là chương trình Golden Visa đắt nhất châu Âu với mức đầu tư bất động sản tối thiểu là 500.000 EUR. Thêm vào đó, nhà đầu tư sẽ phải gia hạn quyền cư trú mỗi 2 năm, trong khi các quốc gia khác thông thường là 5 năm.
Ưu điểm của Tây Ban Nha là không có yêu cầu cư trú nhưng các nhà đầu tư sẽ phải đóng thuế khi sở hữu bất động sản ở quốc gia này. Cụ thể là sau khi mua bất động sản thuộc chương trình Golden Visa, dù nhà đầu tư không cho thuê hay dùng để ở, họ vẫn phải nộp mức thuế như khi đang kiếm lời từ việc cho thuê bất động sản đó.
Sau 10 năm cư trú, nhà đầu tư có thể xin quốc tịch Tây Ban Nha với điều kiện phải thông thạo tiếng bản ngữ. Tây Ban Nha cũng là một quốc gia không chấp nhận song tịch, trừ khi nhà đầu tư đến từ Andorra, Bồ Đào Nha, hoặc một trong những thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, bao gồm Philippines.
Theo Forbes