Cơn địa chấn mang tên Corona virus (gọi tắt là Covid -19) đang làm mọi hoạt động trên thế giới lao đao. Úc cũng không phải là một ngoại lệ khi gánh chịu hàng loạt những thiệt hại tới toàn bộ hoạt động của đất nước. Theo một kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Sydney, đại dịch Covid-19 tại Úc có khả năng sẽ đạt đỉnh trong vài tuần tới, sau đó số ca nhiễm mới sẽ bắt đầu giảm dần và dịch bệnh sẽ kết thúc vào tháng 7.
Ngoài ra, dựa trên một chương trình giả lập có tên AceMod, các nhà khoa học cũng dự báo Úc sẽ có khoảng 8.000 đến 10.000 ca nhiễm trong dịch bệnh này. Theo Giáo sư Mikhail Prokopenko, người đứng đầu chương trình nghiên cứu, mô hình giả lập dựa trên các dữ liệu cập nhật gần đây cho thấy Úc đang tiến đến rất gần đỉnh dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội đang cho hiệu quả tích cực, nhưng dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại nếu các biện pháp kiểm dịch không được tuân thủ triệt để. Tốc độ lây nhiễm dịch Covid-19 tại Úc đã giảm mạnh từ khoảng 5% xuống chưa đến 2% vào ngày 26/4 khi số ca nhiễm mới chỉ tăng gần 110 trường hợp và là mức tăng thấp nhất trong 3 tuần gần đây. Nhưng theo các chuyên gia y tế công cộng, điều quan tâm hiện nay là số ca lây nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng có xu hướng gia tăng, trong đó bang New South Wales ghi nhận hơn 400 ca nhiễm không xác định nguồn gốc trên tổng số hơn 3.000 ca nhiễm của bang này.
Tiến sĩ Paul Kelly, Phó giám đốc Y tế Úc cho biết, hiện có những dấu hiệu rất đáng khích lệ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại nước này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Kelly cảnh báo rằng hiện có khoảng 8% các ca lây nhiễm trong cộng đồng và một số bệnh nhân tầm tuổi 30 nhưng hiện đang trong tình trạng chăm sóc đặc biệt. Đây là điều đáng lo ngại và cần tiếp tục duy trì nghiêm các quy định kiểm dịch đang được áp dụng. Tuy nhiên tính đến sáng nay 19/05/2020 theo bản đồ Covid-19 của Đại Học Johns Hopkins thì trên toàn nước Úc có 7.068 ca nhiễm bệnh với 100 ca tử vong.
Đại dịch này có tác động không nhỏ gây áp lực lớn đến nền kinh tế, chính phủ Úc đã đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, các ngành công nghiệp thiết yếu, và giúp quốc gia hồi phục nhanh sau khủng hoảng dịch bệnh.
Miễn phí childcare cho phụ huynh:
Dịch vụ childcare sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả các bậc cha mẹ đang làm việc tại Úc. Khoảng một triệu phụ huynh sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, dự kiến sẽ giữ khoảng 13.000 trung tâm trẻ em không bị ảnh hưởng khi đại dịch Covid-19 tiến triển.
Theo kế hoạch, chính phủ sẽ chi trả 50% với mỗi khoản thu phí chăm sóc trẻ em cho trung tâm, nhưng chỉ với điều kiện trung tâm vẫn mở. Ông Morrison cho biết khoản tài trợ sẽ được áp dụng từ tối chủ nhật ngày 12/04/2020 và các trung tâm sẽ được thanh toán theo số lượng trẻ em được chăm sóc. Sự ưu tiên sẽ được dành cho những cha mẹ vẫn đang làm việc, cha mẹ đã đăng ký từ trước và những người có con dễ bị tổn thương hoặc thiệt thòi. Bộ trưởng Giáo dục Dan Tehan cho biết các khoản thanh toán sẽ bắt đầu từ cuối tuần tới và hệ thống sẽ được xem xét sau một tháng. Ông kêu gọi các bậc cha mẹ đã không cho trẻ đến trung tâm từ giữa tháng 2 do ảnh hưởng của Corona virus đến để đăng ký lại. Việc bắt đầu đăng ký lại sẽ không yêu cầu bạn gửi con đến trung tâm mà chỉ để chắc chắn bạn sẽ không bị yêu cầu phải trả một khoản phí chênh lệch.
Điều chỉnh đối với người sở hữu visa tạm trú:
Chính phủ đang thực hiện một số thay đổi đối với việc sắp xếp người giữ visa tạm trú trong cuộc khủng hoảng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người Úc, hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng nền kinh tế. Có 2,17 triệu người hiện đang ở Úc theo thị thực tạm trú. Tất cả đều được chào đón đến Úc trên visa tạm trú vì những lý do khác nhau bao gồm để lấp đầy sự thiếu hụt kỹ năng, học tập như sinh viên quốc tế nộp lệ phí đầy đủ, thăm gia đình và bạn bè, hoặc đi làm và nghỉ lễ…
Họ là một phần quan trọng đóng góp vào nền kinh tế và xã hội của Úc. Ví dụ, có hơn 8.000 chuyên gia y tế lành nghề trên thị thực visa tạm trú hỗ trợ hệ thống y tế của Úc hiện tại. Trong khi công dân, thường trú nhân Úc và công dân New Zealand có thể tiếp cận vô điều kiện các quyền làm việc và các gói hỗ trợ của chính phủ Úc (bao gồm các khoản thanh toán mới của JobKeeper và JobSeeker), thì người giữ visa tạm trú lại không. Khi lưu trú tại Úc, người theo diện visa tạm trú luôn được yêu cầu phải có khả năng tự lập về tài chính. Những điều chỉnh được thông báo hôm nay sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho những người bị mất việc hoặc bị giảm giờ làm do hậu quả của dịch bệnh. Đi đôi với các điều chỉnh dành cho công dân và thường trú nhân Úc, hầu hết những người có quyền làm việc theo diện visa tạm trú sẽ có thể xin trợ cấp từ quỹ bảo hiểm hưu trí (Australian superannuation) để vượt qua thời kỳ khủng hoảng này.
Với các chính sách mới này, những người theo diện visa tạm trú không có khả năng tự lập về tài chính trong 6 tháng tới đây được khuyến khích nên quay trở về nước, và những người này nên thu xếp về nước càng nhanh càng tốt. Các điều chỉnh cũng nhằm giúp giữ lại những người theo diện visa tạm trú trong các ngành lao động thiết yếu như y tế, chăm sóc người già và người khuyết tật, nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Quan trọng hơn là họ sẽ giúp tăng cường lực lượng nhân viên y tế tại tuyến đầu, chuyển thực phẩm từ nông trại đến cửa hàng phân phối và đảm bảo các dịch vụ thiết yếu hoạt động xuyên suốt. Những người theo diện visa tạm trú là nguồn nhân lực cực kỳ quý giá đối với nền kinh tế và xã hội Úc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người Úc đang lâm vào cảnh mất việc do khủng hoảng kép về y tế và kinh tế, do đó những công dân và thường trú nhân Úc này phải là trọng tâm ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Gói kích cầu 17,6 tỷ đô la Úc:
Chính phủ Úc đã công bố gói kích cầu 17,6 tỷ đô la Úc nhằm bảo vệ nền kinh tế Úc trước những nguy cơ và thiệt hại do Covid-19 gây ra. Gói kích cầu tương ứng 0.9% GDP hàng năm này được xem là động thái quyết liệt của chính phủ Úc để duy trì lòng tin tiêu dùng, hỗ trợ đầu tư và việc làm. Ngay sau khi có thông báo của chính quyền Scott Morrison, thị trường đã phản hồi rất tích cực khi cả thị trường chứng khoán tại Úc và Mỹ đều quay đầu tăng điểm. Chỉ số S&P và ASX 200 tăng 4.4% theo báo cáo của Financial Times. Tuy vậy, thị trường chứng khoán Úc vẫn giảm 10% điểm so với cùng kỳ năm ngoái và 23% so với mức đỉnh hồi tháng 2 vừa rồi do tác động tổng hợp từ đại dịch đang diễn ra. Gói kích cầu tập trung vào 4 nhóm chính:
- Hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đầu tư
- Lưu chuyển tiền mặt trong doanh nghiệp
- Hỗ trợ an sinh xã hội
- Hỗ trợ tài chính cho những vùng bị ảnh hưởng nhất do đại dịch gây ra
Đáng chú ý trong đó nhóm (1) và (2) hướng đến 3,5 triệu doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà đầu tư nước ngoài tuy không thuộc diện được hưởng gói kích cầu này một cách trực tiếp nhưng chiến lược kích cầu của chính phủ Úc cho thấy ưu tiên trong việc giữ vững niềm tin trong kinh doanh và sự ổn định của chuỗi cung ứng để giảm tối đa gián đoạn trong bất kỳ khâu nào. Nhìn chung, những dự báo về thiệt hại đến kinh tế từ cơn đại dịch Covid -19 đang dần hiện ra rõ nét hơn ở cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách vĩ mô linh hoạt và động thái mạnh mẽ của chính phủ Úc từ gói kích cầu vừa được công bố, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn, thông qua các công cụ tài chính.
Do tác động kép về y tế lẫn kinh tế nên hiện nay khủng hoảng kinh tế tại Úc được dự báo còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đô la Úc (AUD) xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua
Đô la Úc (AUD) đang trượt giá so với Đô la Mỹ (USD) ở thời điểm hiện tại khi 1 AUD chỉ đổi được 0,62 USD. Tương tự như vậy trong vòng một tháng qua, đô la Hồng Kông, đô la Singapore, Nhân dân tệ, baht Thái, Ringgit Malaysia, và cả Việt Nam đồng cũng đều “ăn” tỷ giá cao hơn so với đô la Úc (AUD). Đây chính là thời điểm đầu tư cực kỳ thuận lợi với dòng kiều hối chảy vào Úc từ những nước nói trên. Với nhà đầu tư Việt Nam, biểu đồ dưới đây cho thấy xu hướng dịch chuyển tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đô la Úc, thời điểm hiện tại 1 AUD xuống sâu, dưới mức 14.000 VNĐ. Một cơ hội mà nhà đầu tư Việt có thể nắm bắt ngay là chuyển hướng đầu tư ngoại tệ vào Úc đồng thời “chốt” tỷ giá ở mức tốt nhất thông qua ngân hàng hoặc các dịch vụ tài chính về đầu tư ngoại tệ.
Thị trường bất động sản tại Úc thời điểm này có dấu hiệu chững lại, một phần vì cả người mua và người bán vẫn ưu tiên lý do y tế và sức khoẻ, phần nữa là tâm lý e ngại nền kinh tế sắp bước vào giai đoạn suy thoái. Điều này tạo ra thời cơ rất tốt cho nhà đầu tư Việt chọn mua bất động sản tại Úc với giá tốt khi đồng đô la Úc đang trượt giá so với tiền Việt. Cụ thể, nếu mua một căn nhà tại Úc với giá 600.000 AUD vào thời điểm này (tháng 5/2020), nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được hơn 1,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Một phương án khác là nhà đầu tư Việt Nam có thể xem xét chuyển đổi nguồn quỹ của mình sang đô la Úc với tiền gửi kỳ hạn tai Úc đang ở tỷ suất sinh lời 1,0 – 1,5% một năm, so với mức 0,3% ở Hồng Kông hay Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Úc
Cũng như những thị trường vốn ở nhiều nước, thị trường chứng khoán Úc đang lao dốc trong vòng nửa tháng qua khi cơn đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư đã tìm mọi cách để giảm rủi ro khi những hệ quả tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh phương tiện truyền thông và chính phủ liên tục cập nhật những diễn biến phức tạp từ cơn đại dịch này. Trung Quốc, khởi nguồn của dịch bệnh, tuy có nhiều bất cập trong công tác chống dịch ở giai đoạn đầu, dường như đã khống chế được sự lây lan của virus và dần ổn định hơn. Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ sớm giúp kinh tế thế giới vào quỹ đạo của mình. Chưa có chuyên gia hay báo cáo nào có thể khẳng định khi nào thị trường chứng khoán Úc sẽ chạm đáy. Hoặc có thể cũng đã chạm đáy rồi. Tuy nhiên, chu kỳ biến động trước đây của thị trường chứng khoán cho thấy trong rủi ro bao giờ cũng có cơ hội vì dự báo cơn dư chấn từ cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ được khắc phục trong vòng vài tháng tới, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư lựa chọn các nhóm cổ phiếu có sức bật tốt.
Kết hợp với sự suy yếu của đô la Úc, thị trường vốn đang biến động của Úc là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình và tận dụng cơ hội “10 năm có 1” này cho các lựa chọn đầu tư của mình (tính từ thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008).