Dịch Covid-19: Chính phủ Mỹ và các chính sách hỗ trợ

Theo thống kê của Trung tâm dữ liệu về virus corona thuộc Đại Học Mỹ John Hopskins, tính đến 9 giờ sáng nay 03/4/2020, toàn nước Mỹ đã ghi nhận 245.341 ca nhiễm và 6.095 ca tử vong. Với số ca nhiễm tăng vọt này, Mỹ đã trở thành nước có nhiều người bị nhiễm Covid-19 nhất trên thế giới, hơn cả Ý (115.242 ca), Tây Ban Nha (112.065 ca) và Trung Quốc (81.620 ca).

Giám đốc Viện dịch bệnh Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, thẩm định sẽ có 100.000 – 200.000 người thiệt mạng vì dịch viêm phổi cấp tính do virus corona chủng mới. Lời báo động này được đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN phát vào Chủ Nhật, 29/03/2020.

Trước tình hình trên, một lần nữa Tổng thống Mỹ gián tiếp nhìn nhận rằng dịch Covid-19 không kết thúc vào tháng 4 như ông mong đợi. Hôm qua, tổng thống Mỹ kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp được cho là an toàn đến ngày 30/04/2020, như: mọi người giữ khoảng cách, hạn chế đi lại, đồng thời ông Trump cho rằng “đỉnh điểm mùa dịch rất có thể sẽ diễn ra trong hai tuần sắp tới”. Với hơn 245.000 ca lây nhiễm, Mỹ hiện nay là quốc gia có số người dương tính với virus corona cao nhất thế giới. Tính đến hết ngày 02/04/2020, hơn 6.000 người đã qua đời. Giới chức y tế Mỹ cho biết thêm, số trường hợp tử vong “đã tăng gần gấp đôi trong 3 ngày vừa qua”. Sau New York đến lượt bang New Orleans phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị y tế “trầm trọng”.

Đứng trước nguy cơ kinh tế dần đi xuống, gói cứu trợ dịch bệnh thứ ba của Mỹ đã chính thức được Thượng viện thông qua ngày 25/03/2020 và được Hạ viện bỏ phiếu quyết định vào ngày 27/03/2020. Nội dung gói kích thích kinh tế của Mỹ được cho là có trị giá gần 1/10 GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm giải cứu tình hình khó khăn trước mắt của nước này. Thị trường chứng khoán ngày 25/03/2020 đã khởi sắc khi hay tin Thượng viện Hoa Kỳ đạt được đồng thuận gói cứu trợ 2.000 tỉ USD: Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 2,4%, tương đương gần 500 điểm, S&P 500 tăng 1,1%, trong khi Nasdaq giảm nhẹ 0,4%. Tuy vậy sau đó nội bộ Thượng viện lại tiếp tục tranh cãi về nội dung trợ cấp dành cho người thất nghiệp, khiến chứng khoán phần nào hạ nhiệt. Cụ thể gói cứu trợ kinh tế đắt đỏ này sẽ được sử dụng ra sao:

Tài trợ các chương trình chăm sóc sức khỏe quan trọng

Ưu tiên quan trọng nhất lúc này là kiểm soát đại dịch. Dù nhiều thành viên của đảng Cộng Hòa gợi ý nới lỏng các biện pháp kiểm soát sức khỏe công cộng nghiêm ngặt nhằm hạ áp lực cho nền kinh tế, thực tế cho thấy hành động này sẽ khiến hàng triệu người tử vong nhưng không cải thiện được tình trạng doanh nghiệp. Người lao động, người tuyển dụng và cả người tiêu dùng sẽ chỉ trở về với các hoạt động thương mại khi xã hội cảm thấy được an toàn. Gói cứu trợ mới sẽ đầu tư 130 tỉ USD vào các bệnh viện và các lao động trong ngành y tế – những người đang trực tiếp chống chọi với dịch bệnh.

Mở rộng quyền lợi cho người thất nghiệp

Tất cả các cá nhân đang hưởng hỗ trợ thất nghiệp sẽ được nhận thêm 600 USD mỗi tuần trong vòng bốn tháng sau khi gói cứu trợ 2.000 tỉ USD chính thức được thông qua.

Như vậy, người có thu nhập thấp bị thất nghiệp sẽ được hưởng khoản lương tương đương, thậm chí có trường hợp cao hơn khi còn làm việc. Các nghị sĩ đảng Cộng Hòa lên tiếng phản đối khoản chi này vào phút cuối vì quan ngại điều này có thể khuyến khích các nhà tuyển dụng sa thải lao động thu nhập thấp.

Trên thực tế, hệ thống quản lý lao động thất nghiệp của nhà nước lại không được trang bị để tính toán khoản hỗ trợ ngang bằng khoản lương bị mất cho người lao động kịp thời, khiến các nhà lập pháp phải nghĩ tới việc tận dụng biện pháp ít chính xác như trên.

Trả tiền cho công dân Mỹ

Mỗi cá nhân trưởng thành của Mỹ sẽ nhận được khoản tín dụng thuế có thể hoàn lại với giá trị lên tới 1.200 USD, trong khi trẻ em sẽ được hưởng tới 500 USD. Giá trị ngân phiếu sẽ giảm nếu cá nhân có thu nhập năm hơn 75.000 USD (hay 150.000 USD cho hai vợ chồng). Khoản tiền được nhận sẽ dựa trên thu nhập năm 2019 (hoặc 2018 nếu chưa làm thủ tục hoàn thuế) của cá nhân.

Điều này có nghĩa những ai bị suy giảm thu nhập trong giai đoạn 2019-2020 rất có thể sẽ không nhận được hỗ trợ tới tận năm sau. Trái lại, những người nhận được ngân phiếu dựa trên thu nhập năm 2019 nhưng không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ trong năm 2020 sẽ không cần trả lại trợ cấp.

Trợ giúp chính quyền địa phương và bang

Hầu hết các bang và địa phương đều phải tuân thủ các yêu cầu chi tiêu cân bằng nhằm ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách trong thời kinh tế khó khăn. Họ sẽ phải tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ suy thoái, trong khi hành động ngược lại mới có lợi cho nền kinh tế.

Trước đó chính phủ Mỹ đã ban hành gói hỗ trợ dịch bệnh thứ hai nhằm giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các chính phủ bang bằng cách tăng chi trả cho Medicaid (chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp). Gói kích kích kinh tế thứ ba dự kiến sẽ tạo ra một quỹ 150 tỉ USD để hỗ trợ ngân sách chính phủ, ngăn chặn giảm nguồn cung các dịch vụ thiết yếu. 

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

Gói hỗ trợ mới của chính phủ Mỹ sẽ cung cấp tín dụng khẩn cấp lên tới 350 tỉ USD để phục vụ mục tiêu cứu sống các doanh nghiệp nhỏ và giữ chân người lao động ở lại công ty sau khi các lệnh phong tỏa do dịch bệnh kết thúc.

Các doanh nghiệp nhỏ có thể nhận được khoản tín dụng có trị giá cao gấp 2,5 lần chi phí hàng tháng, bao gồm các khoản lương thưởng cho nhân viên, không tính các nhân viên được hưởng lương trên 100.000 USD. Quan trọng hơn, việc trả tín dụng có thể được xóa bỏ nếu doanh nghiệp duy trì được lương thưởng cho người lao động. Như vậy khoản tiền này có vai trò như trợ cấp trực tiếp, thay vì là tín dụng dành cho công ty.

Các doanh nghiêp nhỏ cũng có thể tận dụng khoản tín dụng thuế “giữ chân người lao động”, có thể được trừ vào thuế liên quan tới người lao động phát sinh trong thời gian doanh nghiệp chịu đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động vì covid-19. Hỗ trợ này dành cho các doanh nghiệp có ít hơn 100 nhân viên, các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn hơn sẽ bị giới hạn 10.000 USD trên mỗi nhân viên.   

Các khoản vay dành cho thành phố, bang và ngành công nghiệp gặp khó khăn

Gói cứu trợ mới cũng sẽ cung cấp khoản vay và cam kết cho vay trị giá 500 tỉ USD dành cho ngành hàng không và các ngành kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Danh sách các công ty được cho vay cũng sẽ bao gồm các doanh nghiệp thiết yếu cho mảng an ninh quốc phòng.

Quyền quản lý và giám sát quỹ được một Ủy ban Quốc hội và một Thanh tra độc lập, giống như từng làm với Chương trình Trợ cấp các Tài sản xấu (TARP) năm 2008. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng, thành viên Quốc hội và các thành viên gia đình của họ sẽ bị cấm nhận viện trợ từ quỹ này.

phone-icon
facebook-icon
zalo-icon